Trang chủ‎ > ‎

Văn khấn Khai Trương Đầu Năm

Văn khấn Khai Trương Đầu Năm


Đầu xuân, thay mặt tập thể Tổ hợp Thiết kế và In ấn Chuyên nghiệp - inNhanhReDep,
cho phép tôi gửi đến Quý khách hàng lời chúc năm mới thịnh vượng và an khang.

Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015,  http://www.innhanhredep.com/home/van-khan-khai-truong-dau-nam


Trong khuôn khổ bài viết này, có 2 câu chuyện tôi muốn chia sẻ cùng bạn, vì tôi tin chắc bạn sẽ rất muốn biết đấy, đặc biệt là trong dịp đầu xuân, năm mới như thế này.

Đó là:

Chọn ngày đẹp để khai trương năm Ất Mùi 2015

Cách hành lễ sao cho đúng khi vào Đền/Chùa đầu xuân. Chọn ngày đẹp để khai trương thì chắc chắn là ai cũng cần rồi, nếu bạn là chủ cửa hàng hoặc chủ doanh nghiệp thì lại càng cần hơn đúng không? Năm nay có một ngày rất đẹp là vào mùng 6 Tết (Tức ngày Tân Mùi - thứ 3 ngày 24/02/2015 dương lịch). Giờ đẹp là giờ Tỵ (9-11h) vì có sao Thiên quan Quý nhân, Phúc tinh Quý nhân và sao Nhật Mã, Ngọc Đường (toàn các sao tốt). Nếu tiện thì bạn lên khai trương hôm này và làm việc luôn, hoặc có thể mở cửa lấy ngày trước cũng được.

Việc thứ 2 là

Cách hành lễ sao cho đúng khi vào Đền/Chùa đầu năm

Bài viết này khởi nguồn từ một câu chuyện có thật: Ngày Rằm Tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013, tôi có đi chùa, trước là để vãn cảnh chùa, sau là để thắp hương dâng lễ, mong cho 1 năm mưa thuận gió hòa, công việc được mở mang, sự nghiệp được tăng tiến. Khổ nỗi bước vào mà không biết phải làm gì, không biết phải đi đâu trước, không rõ phải đặt ở đâu, ban nào, cầu xin điều gì... Cuối cùng phải đứng chờ mãi, chờ mãi mới có 1 vị đi từ cổng vào, thế là bám theo, vị đó làm gì ta làm đó, vái đâu ta vái đó... Chính từ sự việc này, và cũng từ suy nghĩ còn rất nhiều người trong chúng ta chưa thực sự hiểu rõ vào Đền Chùa thì nên và không nên làm gì, ở ban nào thì đặt lễ gì, cầu xin điều gì (không phải ban thờ nào cũng xin như nhau hoặc ban thờ nào cũng ... "vái tứ phương" được đâu nhé), hôm nay tôi viết 1 bài tổng hợp những kiến thức cơ bản về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nói chung, và nghi lễ thờ cúng tại Đền, Chùa, Miếu, Phủ nói riêng, tất nhiên, trên cơ sở kiến thức hạn hẹp của cá nhân tôi, bạn có thể comment thêm bên dưới để bổ sung.

Tất nhiên các cụ có nói "Quan trọng nhất vẫn là Thành Tâm", nhưng không có nghĩa là sự Thành tâm ấy được quyền mang ra tùy tiện hành xử. Sự Thành tâm nếu được kết hợp với việc "xin đúng, thưa trúng" thì tin chắc cái tâm nguyện, cái điều xin ấy sẽ sớm được như ý hơn.

Với bài viết này, các bạn sẽ được giải đáp 1 số thắc mắc về:
+ Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015
Nghi thức đặt lễ, đặt ở đâu trước, đặt đâu sau?
+ Trình tự hành lễ, lễ ở đâu trước, lễ và xin như thế nào cho đúng? (rất hay)

Thậm chí 1 số cách gọi hoặc cách hành lễ rất quen thuộc cũng sẽ được giải thích như:
Tại sao khi thắp hương lại thắp 1,3,5,7 nén? Sao lại có người thắp cả bó hương?
+ Một số lưu ý khi đi Chùa.

Bắt đầu nhé.

1. Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015

Tịnh pháp giới chân ngôn: ÔM LAM, ÔM SĨ LÂM (7 lần)
Chân ngôn phá địa ngục: ÁN GIÀ RA ĐẾ DẠ, TA BÀ HA (7 lần)
Chân ngôn biến thực ( biến thức ăn cho nhiều ): NAM MÔ TÁT PHẠ ĐÁT THA, NGA ĐÀ PHẠ LÔ CHỈ ĐẾ , ÁN TÁM BẠT RA , TÁM BẠT RA HỒNG (7 lần)
Chân ngôn Cam lồ thủy (biến nước uống cho nhiều): NAM MÔ TÔ RÔ BÀ DA, ĐÁT THA NGA ĐA DA, ĐÁT ĐIỆT THA. ÁN TÔ RÔ, TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ , TA BÀ HA (7 lần)
Thổ Địa An Chú: NAM MÔ TAM MÃN ĐA MỘT ĐÀ NẪM , ÁN ĐỘ RÔ, ĐỘ RÔ, ĐỊA VĨ TA BÀ HA (7 lần)

Kính lạy:
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,
- Con kính lạy Quan Đương niên Hành khiển Thái tuế đức Tôn thần,
- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương,
- Con kính lạy các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần định phúc Táo quân, chư vị Tôn thần, Chúa Đất, Chúa Nước,
- Con kính lạy các Thần linh cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………. Đương niên ....... tuổi, (nếu là cơ quan, công xưởng thì khấn là tín chủ con là con là Giám đốc hay Thủ trưởng cùng toàn thể công ty), Hiện đang kinh doanh tại: …………………………………

Hôm nay là ngày …. tháng … năm …(tính theo âm lịch), tín chủ con thành tâm sắm sửa lễ, hương hoa trà quả, các loại bánh trái, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, lòng thành tâu rằng: tín chủ con nay muốn khai trương khởi đầu việc kinh doanh (hoặc sản xuất) phục vụ nhân sinh, mại mãi tài vật giúp cho sinh hoạt. Do đó, chúng con chọn được ngày lành tháng tốt sắm sanh lễ vật, cáo yết Tôn Thần, dâng cúng Bách Linh, cúi mong soi xét.

Chúng con kính mời Quan Đương niên , Quan Đương Cảnh, Quan Thần linh Thổ Địa, Định Phúc Táo Quân, cùng các Ngài Địa Chúa Long Mạch, và tất cả Thần Linh cai quản ở trong khu vực này.

Cúi xin: Thương xót tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thánh thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con buôn bán hanh thông, làm ăn thuận lợi, lộc tài vượng tiến, nhân sự bình an, tăng đinh tăng vật. Bốn mùa không hạn ách tai ương, tám tiết có điềm lành tiếp ứng, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.

Tín chủ lại mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ, cùng chư Hương Linh y thảo phụ mộc phảng phất ở trong khu vực này, xin hãy tới đây chiêm ngưỡng Tôn Thần, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ vận đáo hanh xương, tài lộc như gió mây tập hội.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Lưu ý : Nếu nhớ và đọc thuộc được là tốt nhất, nhưng nếu ghi ra giấy, thì lúc đốt giấy vàng bạc hãy hóa luôn tờ giấy vái cúng chung với giấy vàng bạc.

Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015,  http://www.innhanhredep.com/home/van-khan-khai-truong-dau-nam


2. Chú giải Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015

Trong văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015, phần đầu là các thần chú, là mật chú của chư Phật, khó có thể trình bày, chỉ trình bày đại ý dùng sự.

a. ÔM LAM, ÔM SĨ LÂM:

Thế giới ta bà nầy rất dơ uế, muốn Chư Thiên cõi trên chứng giám, hoặc các chúng hửu tinh thọ dụng thức ăn, chúng ta bắt buộc phải tụng chú nầy .Trì chú nầy thân, tâm, cảnh vật đều được thanh tịnh, sạch sẽ. Nếu ai đọc tụng chú nầy sẽ được ba nghiệp trong sạch các tội chướng đều tiêu tan, các công đức hết thảy thành tựu.
(Đây là 2 câu đầu tiên trong Ngũ Bộ Chú)

b. ÁN GIÀ RA ĐẾ DẠ, TA BÀ HA:

Khi tụng Thần chú phải quán tưởng tiếng đọc chú và uy lực cũng như hào quang Đức Phật đều soi khắp thấu đến các địa ngục mười phương, ở tất cả địa ngục đều được cởi bỏ xiềng xích, các tội nhận được dứt nghỉ khổ não.

c. NAM MÔ TÁT PHẠ ĐÁT THA NGA ĐÀ, PHẠ LÔ CHỈ ĐẾ, ÁN TÁM BẠT RA, TÁM BẠT RA HỒNG:

Niệm chú nầy cho các món ăn đều được mùi vị cam lồ rất thơm ngon, lại biến rất nhiều hàng hà sa số , đầy đủ cho các ngạ quỷ no đủ, ăn rồi được siêu sinh, khiến cho hành giả tiêu trừ nghiệp chướng, thọ mạng sống lâu. 

d. NAM MÔ TÔ RÔ BÀ DA, ĐÁT THA NGA ĐA DA ĐÁT ĐIỆT THA, ÁN, TÔ RÔ TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, TA BÀ HA:

Tụng thần chú nầy khiến cho nước nhiều như biển cả, biến thành màu sửa cam lộ, mở rộng cuống họng như cây kim, tất cả Ngạ Quỷ đều được cùng ăn uống với nhau vui vẻ.

e. CHÚ ÁN THỔ ĐỊA : NAM MÔ TAM MÃN ĐA MỘT ĐÀ NẪM , ÁN ĐỘ RÔ, ĐỘ RÔ, ĐỊA VĨ TA BÀ HA:

Trong văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015 có một số câu chú thuộc Ngũ Bộ Chú và Chú Đại Bi, nên khi tụng, bạn nhớ là phải tụng chú nầy. Lý do là ông Địa và ông Thần Tài là hai vị thần nhỏ, khi ta tụng niệm, nhất là chú Đại Bi các chư Thiên, chư Thánh mặt mày trang nghiêm, thân hình to lớn, bệ vệ, râu tóc dựng ngược ... Các vị Thần nhỏ của chúng ta thấy khiếp sợ bỏ chạy ... Khi hết tụng, các vị trở lại, nhưng lòng buồn (Thần còn sân ), ta sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Ta đọc Thần chú nầy, có nghĩa: " xin hai ông an tọa, hoan hỉ , đây là chư Thiên ..."

3. Lễ vật nào dùng để thờ cúng tại Chùa, Đền, Phủ?

Rất nhiều người còn đang mù mờ về việc sắm sửa lễ vật như thế nào để lễ Chùa, lễ Đền, Phủ. Nhiều người vào Chùa dâng hương mà lại mang đồ sống, đồ mặn ..., rồi một số người cho rằng lễ chay chỉ dùng để lễ Phật, còn lễ Thánh, Thần thì bắt buộc phải lễ mặn. Thực tế thì lễ vật được sắm theo 1 số nguyên tắc như sau:

+ Lễ chay:

gồm hương hoa trà quả, các loại bánh trái ... dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát (nếu tại nơi thờ tự có ban này). Lễ chay cũng được dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Trong trường hợp này người ta thường sắm thêm 1 số hàng mã để dâng cúng như: tiền, vàng, nón, hia, hài ... (Đặc biệt lưu ý: lễ Phật thì ko dùng lễ mặn, vàng mã. Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.)

+ Lễ mặn:

gồm thịt gà, lợn, giò, chả... được làm cẩn thận, nấu chín. Nếu có lễ này thì đặt tại bàn thờ Ngũ vị Quan lớn, tức là ban Công đồng.

+ Lễ đồ sống:

gồm có trứng, gạo, muối hoặc thịt mồi (1 miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Đây là lễ dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công đồng Tứ Phủ. Theo lệ thì 5 quả trứng vịt sống đặt trong 1 đĩa muối gạo; hai quả trứng gà sống dặt trong 2 cốc nhỏ, 1 miếng thịt mồi được khía thành năm phần (ko đứt rời), không nấu chín (để sống). Kèm theo lễ vật này cũng có thêm tiền, vàng mã.

+ Cỗ mặn sơn trang:

gồm những đồ như cua ốc, bún ớt, chanh quả... Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi, chè thì càng tốt (những đồ này sắm theo con số 15, mỗi loại 15 cái, tương ứng 15 vị được thờ tại ban Sơn Trang)

+ Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu:

thường gồm oản, quả, hương hoa, hia hài, nón áo... (tức là nhữngđồ hàng mã), gương lược... và những đồ vật tượng trưng những đồ chơi người ta hay làm cho trẻ nhỏ (cành hoa, con chim, chiếc kèn, cái trống...)

Tóm lại lễ vật không cần câu nệ, không bắt buộc. Nhưng đã sắm là phải sắm đúng, sắm đủ, tránh sắm sai đặt sai thì rất không hay. Bên cạnh đó, do tài liệu tôi tham khảo là dựa trên phong tục phía Bắc, phong tục phía Nam có một chút khác biệt đó là có một số loại vàng mã dành riêng cho bàn Thiên, Quan Âm Bồ Tát, bạn có thể cân nhắc nên dùng, hoặc không.

Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015,  http://www.innhanhredep.com/home/van-khan-khai-truong-dau-nam


4. Trình tự dâng Hương, dâng Lễ như thế nào?

Ngoài việc nhiều người không rõ vào Chùa hoặc Đền, Phủ phải sắm lễ ra sao, thì còn không ít người không biết thứ tự dâng lễ thế nào, thắp hương ra sao. Phần này sẽ nói chi tiết về thứ tự dâng lễ Phật, lễ Mẫu.

4.1. Lễ Trình:

Theo lệ thường, trước tiên phải lễ thần thổ địa, thủ Đền trước, gọi là Lễ Trình, cáo lễ với Thần linh cho phép được tiến hành lễ tại Đền, Chùa, Miếu, Phủ. Sau đó, bày lễ vật ra các mâm, khay chuyên dùng vào việc cúng lễ... rồi đặt lễ vật vào các ban.

4.2. Thứ tự đặt lễ:

Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay và đặt cẩn trọng lên ban thờ. Khi đặt lễ và hành lễ phải lễ từ ban thờ chính rồi mới ra tới ban ngoài cùng (Thường lễ ban cuối cùng là ban thờ Cô, thờ Cậu). Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên các ban mới được thắp hương.

4.3. Thứ tự hành lễ (khấn vái):

Khi hành lễ cần theo thứ tự như sau:
a. Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ tại ban thờ Hộ Pháp trước:
Có nhiều thuyết về Hộ Pháp, trong đó có một câu chuyện kể rằng ông là người đã bỏ vàng ra lát khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Xá Vệ để nhằm mua được khu vườn xinh đẹp đó xây tịnh xá cúng dường đức Phật đến thuyết pháp. Và sau này 2 người đã cùng dâng cúng khu vườn nổi tiếng đó lên đức Phật để làm một ngôi tịnh xá đó là Kỳ Viên Tịnh Xá. Do công đức lúc sinh thời làm nhiều việc phúc và ủng hộ Phật pháp nên hai ngài được làm Long Thần hộ pháp tại các chùa (thấy nhiều ở miền bắc Việt Nam). Trong tiềm thức dân gian ngài là vị thần Chủ tể của Chùa, là thập bát long thần ủng hộ Phật pháp và là vị thần trong coi trong chùa, bảo hộ cho trẻ em. Lễ Đức Ông trước xuất phát từ tục Lễ Ông tiền chủ, Bà tiền chủ trước khi tiến hành các nghi lễ khác.

Riêng với Kim Cương thừa (Mật tộng), Hộ Pháp là hóa thân của đức Bồ-tát Quán Thế Âm trong hình tướng của vị đại lực sỹ. Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng của sự ban vui, cứu khổ, cứu nạn. Vì thế, chúng ta thấy người dân hay đến chùa cầu xin sự che chở, bảo vệ của quý ngài Hộ Pháp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người sắp đi làm, đi học xa.

Các chùa hiện nay thường thờ hai tượng Hộ Pháp, mặc dù kinh điển Phật giáo chỉ nói đến một vị Hộ Pháp Vi Đà. Việc thờ tượng ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác nhằm thể hiện sự tồn tại của hai mặt đối nghịch Thiện và Ác trong cuộc sống đời thường.
 
Ở các chùa miền Bắc các tượng Hộ Pháp thường được tạo đứng hoặc ngồi trên lưng sư tử. Trong khi đó các chùa ở miền Nam, quý Ngài thường là tượng đứng cưỡi rồng, cưỡi mây. Trong các chùa tu theo phái Phật giáo Nam Tông và Khất sỹ Việt Nam thường không thờ tượng Hộ Pháp.

b. Lễ lên hương án của chánh điện, Lễ chư Phật, Bồ Tát.
Nên xướng đúng danh hiệu của các vị mà lễ. Tùy theo chùa, có nơi họ đề tên của các vị, hoặc không. Nhưng về cơ bản, cách bài trí các tượng ở chánh điện từ trên xuống dưới theo thứ tự sau đây:

Tượng Tam Thế Phật.
- Lớp trên cùng tột ở chỗ giáp vách phía trong, có ba pho tượng để ngang một dẫy, hình dáng giống nhau, tức là tượng "Thường trụ tam thế diệu pháp thân", người ta thường gọi tắt là tượng Tam thế Phật, nghĩa là Phật thường trụ, trong thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.

Tượng Di-Đà tam tôn.
- Lớp thứ hai có ba pho tượng lớn, pho tượng ngồi giữa là pho tượng đức A-Di-Đà Phật, tức là Thụ-dụng Trí-tuệ thân, Pho tượng đứng bên tả là tượng đức Quan-Thế-Âm Bồ Tát, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại Thế-Chí Bồ-Tát. Đức Phật và hai Bồ Tát ấy ở Tây-phương Cực-lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh ở cõi Sa-bà qua cõi Cực lạc.

Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh.
-Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn, pho tượng lớn ngồi giữa là tượng Thích Ca Mầu Ni Phật, tức là Ứng- thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng, pho tượng ở bên phải, hoặc đứng trên toà sen , hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Đức Văn-Thù Bồ-Tát; pho tượng ở bên hữu, hoặc đứng trên toà sen, hoặc ngồi trên con voi tráng là tượng Đức Phổ-Hiền Bồ-Tát, theo thuyết nói trong Hoa Nghiêm kinh.

Ở lớp thứ ba ấy có nhiều chùa làm tượng đức Thích Ca Mầu-Ni ngồi cầm hoa-sen, như khi ngài thuyết pháp ở Linh-Thứu-Sơn; bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả, vẻ mặt già, bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị tôn giả ấy đều tạc đứng, hình dáng hai người tỳ khưu.

Tượng Cửu Long.
- Lớp thứ tư có pho tượng Cửu Long để giữa. Tượng này theo điển nói khi đức Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài đi bẩy bước tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn. Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí hơn cả" Bởi vậy tượng Cửu-long làm chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những đám mây có chư Phật chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ Kim Cương, ở giưã có pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, đó là tượng Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật lúc sơ sanh. Bên tả tượng Cửu Long có tượng Đế Thích ngôi ngai, mặc áo đội mũ Hoàng Đế, bên hữu có tượng Đại Phạm Thiên cùng một kiểu như pho tượng Đế Thích, đó là theo điển nói hai vị Đại Thiên Vương này chủ-tế ở cõi sa-bà thế-giới và lúc nào cũng hộ trì Đưc Thích - Ca khi ngài chưa thành Phật.

Thông thường, ở trong điện thờ Phật, chỉ thờ có thế mà thôi, còn những chùa lớn hơn nữa thì bầy thêm hai lớp tượng là:

Tượng Tứ Thiên-Vương.
- Ở ngoài tượng Cửu Long để bốn pho tượng Tứ-Thiên-Vương mạc áo Vương-phục, bày làm hai dẫy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế.

Tượng tứ Bồ Tát.
- Có chùa bỏ tượng Tư-Thiên-Vương mà bày tượng bốn vị Bồ-Tát, tạc hình Thiên-thần gọi là Ái-Bồ-Tát, tay cầm cái tên; Sách Bồ-Tát, tay cầm cái cây; Ngũ Bồ-Tát, tay cầm cái lưỡi; Quyền Bồ-Tát tay nắm lại và để vào ngực.

Tượng Bát-Bộ Kim-Cương.
- Có nhiều chùa tạc 8 vị Kim-Cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là Bát-bộ Kim-Cương gồm có :

1)-Thanh Trừ Tài Kim-Cương.
2)-Tích-Độc-Thần Kim-Cương.
3)-Hoàng-Tuỳ-Cầu Kim-Cương.
4)-Bạch-Tĩnh-Thủy Kim-Cương.
5)-Xích-Thanh-Hoả Kim-Cương.
6)-Định-Trừ-Tai Kim-Cương.
7)-Tử-Hiền Kim-Cương.
8)-Đại-Thần-Lực Kim-Cương.

Bốn vị Bồ-Tát và Tám vị Kim-Cương này, theo điển tích ở trong các kinh thi có nhiều thuyết khác nhau, xong đại ý là nói những bậc thần đã phát Bồ-Đề Tâm, đem thần lực mà hộ-trì Phật Pháp.

c. Sau đó Lễ Tam Bảo: Phật Bảo - Pháp Bảo - Tăng Bảo (nhà Bái đường)
Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.

d. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (Nhà Hậu)
Lễ Tổ là lễ tại ban thờ Tổ, nơi thờ Tổ sư của giáo phái và các Cao tăng đã trụ trì tại chùa, hoặc Lễ gia quyến được gửi di ảnh hoặc di cốt ở chùa (nếu có). Thông thường có các vị: A Di Đà Phật, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đạt Ma Sư Tổ.

e. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Kết luận: Hiện tại vẫn có nhiều Trình tự Hành lễ, ví dụ có người lễ Tam Bảo Trước, rồi mới lễ Phật, Thánh (nơi nào TO nhất thì lễ trước). Có người lại lễ ngược lại: Phật, Thánh rồi Tam Bảo, rồi ra ngoài lễ Đức Ông. Nhưng một nghi thức hành lễ được coi là hợp lý nhất được tiến hành như sau: Lễ Hộ Pháp (nếu có) --> Lễ Phật --> Lễ Thánh --> Lễ Tam Bảo --> Lễ Tổ.

5. Lưu ý khi dâng Hương, dâng Lễ?

Vì sao khi thắp hương cần thắp số lẻ: 1,3,5,7 nén

(hoặc có thể đốt cả nắm), không thắp số chẵn. Theo lý giải nhà Phật thì số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng. Hơn nữa, với Phật Giáo quan niệm cuộc sống không có gì là tuyệt đối nên không có gì có thể "chẵn" được. Ngoài ra còn có nhiều quan niệm khác nhau như: 5 nén hương là tượng trưng cho 5 phương trời, 5 hướng thần linh. Còn 7 nén hương là tượng trưng cho "7 vía" của người nam, 9 nén là "9 vía" của người nữ. Nhưng con số thông thường nhất trong cách cắm hương của Phật tử là số 1 hoặc số 3. Nếu thắp 1 nén hương là chúng ta đang tưởng nhớ tới đời Phật trong hiện tại (Phật Thích Ca), còn nếu thắp 3 nén thì là tượng trưng cho 3 đời Chư Phật: Quá Khứ (Phật A Di Đà) - Hiện Tại (Phật Thích Ca) - Tương Lai (Phật Di Lặc), sự tượng trưng cho 3 ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.


Sau khi hương được châm thì dùng hai tay dâng lên ngang trán, vái ba vái rồi kính cẩn cắm hương vào bình trên ban thờ. Nếu có sớ tấu trình thì kẹp sớ vào giữa bàn tay hoặc đặt lên 1 cái đĩa nhỏ, dùng hai tay nâng đĩa sỡ lên ngang mày rồi vái 3 lần. Trước khi khấn thường thỉnh 3 hồi chuông, thỉnh chuông xong thì mới khấn lễ. Sau khi lễ xong thì sớ tâu trình được đặt tại ban Công đồng Tứ phủ.

Một vài lưu ý khác khi dâng Hương, dâng Lễ:
1. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo.
2. Vào Phật đường, đi vòng quanh tượng Phật, khu vực tam bảo, đi từ phải sang trái, niệm tên Phật “A di đà phật” sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Hậu sinh đoan chính, đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng dễ nghe; hóa sinh thăng thiên; có thể được sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.
3. Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít dù nhiều.
4. Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi vào tam bảo.
5. Không đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường. Đó là vị trí tối cao của trụ trì, nên quỳ lễ chếch sang bên một chút.
6. Lễ chùa phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc,… Nhiều người khi lễ Phật, thậm chí nhiều vị trí nhạy cảm phơi hết ra ngoài, vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng. Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật…
7. Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng, cho cả người vãn cảnh và nhà chùa.

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nghi lễ thờ cúng trong Đình Chùa Miếu Phủ, NXB Thời Đại, Tr.14
Nghi lễ thờ cúng trong Đình Chùa Miếu Phủ, NXB Thời Đại, Tr.30
Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính, NXB Văn hoá Thông tin.
Vào chùa lễ Phật, những điều cần biết, NXB Văn hoá Thông tin, Tr.50
Nghi lễ thờ cúng trong Đình Chùa Miếu Phủ, NXB Thời Đại, Tr.92
Vào chùa lễ Phật, những điều cần biết, NXB Văn hoá Thông tin, Tr.57
Nghi lễ thờ cúng trong Đình Chùa Miếu Phủ, NXB Thời Đại, Tr.106,107 và Vào chùa lễ Phật, những điều cần biết, NXB Văn hoá Thông tin, Tr.11,12
Trang Nhà Quảng Đức
Đạo Phật Ngày Nay
Wikipedia
Blogger Kiều Thanh Tùng

Văn khấn khai trương năm Ất mùi 2015,  http://www.innhanhredep.com/home/van-khan-khai-truong-dau-nam